Dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe là 1 trong những ngành hàng hiếm hoi bất chấp đại dịch Covid vẫn có được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong năm 2023, ngành hàng này đang có những tiềm năng và xu hướng quan trọng nào chi phối? Hãy cùng SKYPERRY tìm hiểu!
1. Ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ
Người tiêu dùng ngày càng tỏ ra lo ngại về những tác dụng phụ tiềm ẩn đến từ các sản phẩm tổng hợp. Đó là lý do các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc trong thành phần nổi bật tính hữu cơ dễ dàng chiếm thiện cảm của số đông người tiêu dùng. Một xu hướng khác là sự “phủ sóng” của các thành phần men vi sinh, Probiotics (vi khuẩn sống/nấm men có lợi cho sức khỏe) trong nhiều loại sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như thực phẩm bổ sung, sữa chua… Các thành phần vi sinh tự nhiên này có khả năng hỗ trợ sức khỏe đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch, kết hợp với nguồn gốc tự nhiên, an toàn nên được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn, bổ sung cho chế độ chăm sóc sức khỏe của mình.
2. Xu hướng sử dụng sản phẩm bổ sung
Bên cạnh nguồn gốc sản phẩm, các loại sản phẩm bổ sung cũng là một trong những vấn đề được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm, tìm kiếm. Bên cạnh những sản phẩm như viên uống multivitamin, các loại thực phẩm chức năng vốn đã phổ biến người dùng hiện tại còn sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm bổ sung tối ưu theo từng nhu cầu của các đối tượng, độ tuổi khác nhau. Ví dụ: các ông bố bà mẹ sẽ có xu hướng tìm chọn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, góp phần nâng cao sức đề kháng cho con mình; giới văn phòng sẽ quan tâm các thực phẩm bổ sung có khả năng bổ sung Vitamin D, Omega-3…; người cao tuổi sẽ dễ dàng nhận được từ con cháu các sản phẩm có chứa thành phần bổ sung Calcium, Vitamin D hoặc Antioxidant (chất có tác dụng làm chậm lão hóa)
3. Sự phổ biến của các ứng dụng sức khỏe, thiết bị chăm sóc tại nhà
Với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng các ứng dụng sức khỏe hoặc đầu tư các thiết bị chăm sóc tại nhà để phục vụ nhu cầu bản thân lẫn chăm sóc người thân.
Các ứng dụng sức khỏe phổ biến có thể kể đến như: ứng dụng thể dục, ứng dụng theo dõi giấc ngủ, theo dõi kinh nguyệt, ứng dụng thiền… Trong khi đó các thiết bị chăm sóc tại nhà thường đa dạng hơn. Chúng có thể là máy chạy bộ, thảm yoga… cho đến máy đo huyết áp, đo mức đường huyết, đo nhịp tim, máy bơm insulin… Những thiết bị này cho phép mọi người quản lý sức khỏe của họ một cách nhanh chóng, thoải mái trong chính ngôi nhà của mình. Trong bối cảnh tỉ lệ người cao tuổi gia tăng cùng tỷ lệ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch ngày càng cao, việc đầu tư các ứng dụng sức khỏe và thiết bị chăm sóc tại nhà sẽ là nhu cầu không thể thiếu trong thời gian tới.
4. Sức khỏe tinh thần được đề cao
Hậu Covid cùng bối cảnh kinh tế khó khăn, gây nhiều sức ép lên đời sống, cụm từ “mental health” – sức khỏe tinh thần tiếp tục là chủ đề được cả người dân lẫn chính phủ các nước quan tâm. Tại Việt Nam, mental health hiện đang là xu hướng được nhiều cá nhân đề cao, ưu tiên trong giai đoạn hiện tại. Cùng với xu hướng này là sự nở rộ của các lộ trình tâm lý trị liệu, các chuyên gia tâm lý. Ngoài ra số lượng các phòng khám, bệnh viện có dịch vụ liên quan chẩn đoán, điều trị tâm lý cũng gia tăng. Tuy nhiên, khả năng điều trị cũng như yếu tố chất lượng của các dịch vụ liên quan tâm lý vẫn là điều còn bỏ ngõ. Bên cạnh đó, vẫn còn số lượng lớn người Việt sống tại các khu vực thôn quê vẫn chưa có điều kiện tiếp cận các giải pháp liên quan đến sức khỏe tinh thần.
5. Nhu cầu dinh dưỡng cá nhân hóa
Với những tiến bộ vượt bậc trong di truyền học cũng như khả năng chi trả ngày càng cao cho các dịch vụ chăm sóc, ngày càng có nhiều người đầu tư cho các dịch vụ dinh dưỡng được cá nhân hóa. Họ muốn được cung cấp những chế độ dinh dưỡng, tập luyện được thiết lập riêng cho cá nhân dựa trên cấu trúc di truyền, lối sống và các yếu tố khác liên quan trong đời sống của mình. Cũng trong xu hướng này, các dòng sản phẩm có xu hướng cá nhân hóa theo từng nhóm người tiêu dùng (vd: sản phẩm cho người kiêng đường, sản phẩm cho người không dung nạp lactose…) cũng sẽ dễ dàng chiếm được chú ý của người dùng hơn.
6. Đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi
Với sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ nhóm người cao tuổi cùng năng lực an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, trong tương lai các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại Việt Nam sẽ có xu hướng tăng nhanh. Các dịch vụ này có thể bao gồm thăm khám định kỳ, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà, phục hồi chức năng, chăm sóc xoa dịu… Ngoài ra các loại hình sinh hoạt cộng đồng, nhà dưỡng lão cho người cao tuổi cũng sẽ là những yếu tố cần được quan tâm, đầu tư. Tóm lại, trong giai đoạn tới người cao tuổi sẽ là một trong những đối tượng quan trọng, được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe.