Công thức nào giúp các thương hiệu cao cấp có được thành công trên TikTok như vậy? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây. Với sự bùng nổ về số lượng người dùng, các nhãn hàng từ cao cấp đến bình dân cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi khi liên tiếp tổ chức các chiến dịch trên TikTok. Đặc biệt, kết quả các thương hiệu này thu về cũng rất đáng kinh ngạc!
Tháng 2 năm nay, các thương hiệu cao cấp Louis Vuitton và Saint Laurent gây bất ngờ khi tham gia tháng thời trang ảo do TikTok tổ chức. Các buổi trình diễn này mang về hơn 3 triệu view, video livestream cũng thu hút hơn 800.000 người xem cùng lúc. Thông qua những buổi phát trực tiếp này, người xem có thể mua ngay các sản phẩm trong bộ sưu tập thông qua nền tảng. TikTok không tiết lộ tổng doanh số bán hàng, tuy nhiên dựa vào lượng người theo dõi và tương tác có thể đoán lợi nhuận đạt được không hề thấp.
Trước đó, từ cuối năm 2020, Gucci và Dior cũng đã đạt hơn 1 triệu lượt theo dõi trên kênh TikTok của thương hiệu. Còn trên kênh TikTok của Louis Vuitton, các video mới nhất đều có từ 1 – 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video ngày 6/7 với sự tham gia của ban nhạc K-pop BTS thu về hơn 15 triệu lượt xem.
Theo Cece Vu – người đứng đầu bộ phận quan hệ đối tác về thời trang và làm đẹp của TikTok, các thương hiệu xa xỉ phần lớn không muốn dựa vào mối quan hệ trực tiếp với người có ảnh hưởng trên TikTok, công thức thành công của họ là tự tạo dựng nội dung độc đáo cho riêng kênh của họ. Trong khi đó những thương hiệu bình dân hơn như Aeropostale, Gap, American Eagle và H&M có từ khoảng 5.000-300.000 người theo dõi thường lựa chọn công thức kết hợp với những người có ảnh hưởng trên TikTok. Gap – thương hiệu chỉ có 5.000 người theo dõi trên TikTok, đã gây tiếng vang lớn vào tháng 1/2021 khi Barbara Kristoffersen bất ngờ đăng 1 video cô mặc chiếc áo hoodie có logo Gap màu nâu lên kênh TikTok đang có 250.000 người theo dõi. Một ngôi sao khác của TikTok – Emma Chamberlain – người đang có 12 triệu người theo dõi, cũng đã đăng một phiên bản màu xanh của chiếc áo này vào tháng 9 trên kênh TikTok có. Cả hai video đều thu được hơn 2 triệu lượt xem cho mỗi video, hashtag #gaphoodie cũng mang về 10 triệu lượt xem tổng.
Tại Việt Nam, chiến dịch của Maybelline New York – “Mấy bé lì. Chẳng sợ gì” được xem là một trong những case study thành công trên nền tảng TikTok. Mục tiêu của Maybelline trong chiến dịch này là quảng bá sản phẩm mới: dòng son môi Superstay đến đối tượng trẻ từ 16 tuổi.
Đầu tiên, nhãn tìm đến những KOLs đang có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Thông qua bài hát chủ đề của thương hiệu được thể hiện bởi TLinh, Naomi và Yenji, sử dụng kết hợp Hashtag Challenge và Branded Effect để truyền tải thông điệp thương hiệu.
Với âm nhạc bắt tai cùng độ phủ của những KOLs thể hiện, ca khúc của hãng lan rộng trên cộng đồng TikTok. Maybelline còn kết kợp với những cái tên nổi bật trên TikTok như Trần Thanh Tâm, Cindy, Mr.Virgo, Minah Phạm… để lan tỏa mạnh mẽ thông điệp chiến dịch. Ngoài Hashtag Challenge và Branded Effect, Maybelline còn kết hợp các định dạng Standard Ads như: Brand Premium, In-Feed Ads và Brand Takeover Ads – những công cụ này được TikTok cung cấp cho những đối tác thương mại nhằm tối ưu hiệu quả chiến dịch quảng cáo trên nền tảng.
“Mấy bé lì. Chẳng sợ gì” đã thu hút hơn 75.000 video do người dùng sáng tạo, Hashtag #Maybeline đã tiếp cận đến 19 triệu người dùng Việt Nam. Các số liệu còn lại cũng vô cùng ấn tượng: Số lượt xem video đạt 173 triệu lượt; số lượt truy cập quảng cáo tăng 31,34%. Doanh số các dòng sản phẩm SuperStay tăng 790%, doanh số bán hàng trực tuyến tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vậy để có một chiến dịch quảng cáo thành công trên TikTok, nhãn hàng cần các yếu tố sau đây:
1. Creative content đắt giá
Dù là nhãn hàng xa xỉ hay bình dân, có kết hợp với KOLs hay không thì ý tưởng và content vẫn là những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng.
Khác với các nền tảng khác, khi tham gia Tik Tok, trải nghiệm của người dùng nhanh chóng thay đổi qua nhiều trạng thái khác nhau. Số liệu thống kê từ nhiều báo cáo cho thấy rằng 63% quảng cáo TikTok có tỉ lệ nhấp (CTR) cao nhất khi thông điệp xuất hiện từ 3s đầu tiên, và 50% quảng cáo thành công nhất dựa trên cảm xúc. Điều này nghĩa là nội dung của nhãn hàng cần giữ được tính chân thực, thông điệp đơn giản, dễ hiểu đồng thời kết hợp với những hiệu ứng âm thanh, filter phù hợp. Không chỉ đủ để giữ người dùng xem hết video mà còn phải thôi thúc họ hành động, lan tỏa thông điệp.
Hơn 250.000 cặp đôi tham gia thử thách #howduoyoulisten challenge của Spotify với 713 triệu view.
Theo TikTok, để đạt hiệu quả tối ưu về content, người làm quảng cáo cần đảm bảo những yêu cầu sau:
- Authenticity is key! – Nội dung chân thực và phù hợp với cộng đồng là chìa khoá để các thương hiệu bước chân vào “lãnh địa” người dùng mục tiêu. Các thương hiệu hoạt động tốt nhất khi họ tìm thấy thị trường ngách của mình, tích cực lắng nghe khán giả và tương tác với các xu hướng mới nhất
- Tận dụng những công cụ tối ưu và tái tạo lại quy trình sản xuất nội dung từ chính TikTok cung cấp nhằm xây dựng kế hoạch content ngay từ đầu. Theo phân tích của chính TikTok trong quý 1 năm 2021, các công ty bán lẻ sử dụng các công cụ sáng tạo của TikTok đã phân phối quảng cáo hiệu quả hơn gấp 14 lần.
- Xây dựng kế hoạch alway-on content: Để thu hút khán giả mới, nhãn hàng cần liên tục chia sẻ nội dung mới và đa dạng. Mục tiêu cần phải có 1-4 lần đăng mỗi ngày để kiểm tra mức độ tiếp nhận của các loại nội dung khác nhau. Sau đó có thể thêm phần tăng trả phí để tận dụng tối đa mức độ tiếp cận cho nội dung đang đạt hiệu ứng tốt trên kênh.
2. Đo lường hiệu quả chiến dịch quảng cáo
Một chiến dịch quảng cáo không thể thành công nếu thiếu những công cụ đo lường. Việc sử dụng công cụ và kỹ thuật đo lường chính xác là một trong những yếu tố giúp TikTok trở thành nền tảng quảng cáo hàng đầu. Không chỉ thấu hiểu nhận thức và nhu cầu của người dùng, TikTok còn cung cấp những thông tin quan trọng về những yếu tố cần xem xét khi thương hiệu quảng cáo trên nền tảng. Theo đó, đo lường hiệu quả trên TikTok gồm 3 phần:
- Hiệu quả truyền thông: Phạm vi tiếp cận của chiến dịch và an toàn thương hiệu trên nền tảng
- Hiệu quả thương hiệu: Nhận thức về thương hiệu
- Hiệu quả bán hàng: Hành vi thực tế của người dùng
Đo lường được các số liệu này giúp nhãn hàng đánh giá được mức độ thành công của chiến dịch, từ đó có những điều hướng và thay đổi cho các kế hoạch tiếp theo. Nhãn hàng nên làm việc cùng với các marketing partner của TikTok để tận dụng được khả năng phân tích và đo lường, cũng như những công cụ mà TikTok cung cấp.
Tóm lại, công thức thành công của một chiến dịch quảng cáo giúp đạt mục tiêu kinh doanh trên TikTok, nhãn hàng cần có những phân tích chính xác về đối tượng khách hàng của mình, thị trường muốn tham gia. Từ đó xây dựng chiến lược nội dung hiệu quả, quyết định có nên kết hợp cùng người ảnh hưởng hay tập trung tạo dựng nội dung độc đáo của riêng mình. Cùng với những xu hướng luôn luôn biến đổi, nội dung và giải pháp quảng cáo của nhãn hàng cần thích nghi kịp thời, hoặc phải tự mình tạo nên những xu hướng mới để không bị “bỏ rơi” trên nền tảng tỷ người dùng này.